ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ: VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÁC MÔN TIN HỌC CHUYÊN NGÀNH

Bài viết về đào tạo theo học chế (hay hệ thống) tín chỉ nêu ra dưới đây chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng lại vừa đủ để các GV, CBGD khoa HTTT thấy được khó khăn, thử thách và phải suy nghĩ về điều cần làm trong quá trình tiến tới triển khai thực hiện phương pháp đào tạo này tại Học viện Tài chính.

Tổng quan về đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Về mặt lịch sử, phương thức đào tạo theo tín chỉ là sản phẩm trí tuệ của người Mĩ. Nó được hình thành và phát triển để phục vụ cho các mục đích cụ thể của nền giáo dục nước này. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là hình thức đào tạo tiên tiến trên thế giới, nó cho phép người học chủ động hơn và việc đánh giá kết quả được sát thực tế, hạn chế tình trạng dạy và học theo lối kinh viện. Bởi đây là lối giáo dục lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện cho người học phát huy nhiều nhất các kỹ năng tự làm chủ và tính năng động, sáng tạo trong quá trình học tập..
Với mục tiêu là đến năm 2010 về cơ bản toàn bộ hệ thống giáo dục đại học nước ta chuyển sang đào tạo theo phương pháp tín chỉ. Các cơ quan chức năng và các nhà quản lý giáo dục nước ta lựa chọn, xem đây là một giải pháp trong đề án về “chương trình tiên tiến” nhằm đổi mới cơ bản giáo dục đại học, đưa nền giáo dục nước nhà phát triển mang tính cạnh tranh, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của cơ chế mới và yêu cầu hội nhập của đất nước.

Về hình thức, phương pháp: đào tạo tín chỉ không giới hạn thời gian học tập, sinh viên phải tích lũy khối lượng kiến thức định sẵn, khi nào tích luỹ xong thì ra trường, người học được chủ động về thời gian. Căn cứ vào chương trình chung được xây dựng với qui định số tín chỉ tối thiểu cần đạt được, sinh viên có thể đăng ký một lịch học phù hợp với mình. Sinh viên không phải thi cuối năm, thi tốt nghiệp hay làm luận văn tốt nghiệp, chỉ cần hoàn thành số tín chỉ cần thiết của chương trình trong một thời gian thuận lợi nhất cho mình.
Vì vậy, lịch dạy phải được bố trí một cách khoa học, hết sức chính xác và được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Về nội dung: chương trình đào tạo được xây dựng một cách mềm dẻo, cùng với các học phần bắt buộc còn có các học phần tự chọn (cho phép sinh viên dễ dàng điều chỉnh ngành nghề, hình thức đào tạo).

Về quản lý sinh viên: không có giáo viên chủ nhiệm mà thay vào đó là cố vấn học tập tại các khoa để giúp sinh viên lựa chọn, đăng ký các học phần đúng theo qui định, phù hợp với điều kiện, khả năng của họ.

Sau cùng, nguyên tắc quan trọng của đào tạo tín chỉ là đào tạo theo trình độ thực tế của người học. Và, chất lượng giảng dạy của người dạy sẽ là yếu tố quyết định sự lựa chọn của sinh viên đăng ký theo học.
Có thể nói thêm, Mỹ được xem là nước có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới, với các số liệu hoàn toàn thuyết phục: 17/ 20 trường ĐH tốt nhất thế giới là trường ĐH Mỹ (hoặc là 35 trên bảng xếp hạng 50). Các trường này đang sử dụng 70% những người đoạt giải Nobel, những người này chiếm 30% các bài nghiên cứu khoa học trong khoa học và kỹ thuật trên thế giới . . .
Hệ thống đào tạo theo tín chỉ là một nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong thành tựu nêu trên của họ.

Những khó khăn, thử thách khi thực hiện

Từ những hiểu biết cơ bản như trên, chúng tôi nhìn thấy không ít khó khăn, thử thách:
Một là, trong việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy:

Về đổi mới nội dung: hiện nay, các môn học của khoa được dạy theo chương trình do Bộ ban hành. Trong tương lai gần, khi thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nếu Bộ cho phép các trường tự quyết định nội dung chương trình (và phương pháp giảng dạy) mà không cần xin phép, nghĩa là các trường phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội, tự xây dựng và bảo vệ uy tín của mình để tồn tại và phát triển thì việc xác định đúng đắn và phù hợp các nội dung cần thiết cho người học có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp đến “chất lượng sản phẩm” do đó liên quan chặt chẽ đến uy tín của nhà trường.
Cấp khoa phải có trách nhiệm trong việc này. Vậy, làm sao để thực hiện tốt được điều đó?
Hơn nữa, các môn học chuyên ngành là các môn đặc thù chỉ dành riêng cho sinh viên chuyên ngành HTTT. Cho nên, xây dựng một chương trình phù hợp đối tượng là rất khó. Cần phải bắt buộc hay để tự chọn hoặc phần nào bắt buộc, phần nào tự chọn? Cần phải có tiêu chí để xác định.

Về đổi mới phương pháp giảng dạy: không chỉ nhằm mục đích phát huy tính chủ động của người học, tăng tính sinh động trong buổi giảng, nâng cao hiệu quả tiếp thu đối với người học như hiện đang được nhiều người dạy hướng tới, mà còn có điều quan trọng hơn: mỗi người dạy tự thu hút người học đến với mình, nếu không, xem như mất việc!
Như vậy người dạy phải tự xoay sở hoặc được hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào? Trong khi cán bộ giáo viên của bộ môn phần lớn là giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Hai là, trong việc tư vấn, hướng dẫn và quản lý sinh viên: nhất là đối với việc tư vấn hướng dẫn: làm sao biết được trình độ, năng lực thực sự của mỗi người khi đến đăng ký học? Bằng cách nào để giúp họ chọn đúng, trúng các kiến thức cần trang bị, phương pháp học tập phù hợp với năng lực, điều kiện của họ? Nếu sau khi học, phát hiện thấy đã có những chọn lựa không trúng thì người tư vấn có chịu trách nhiệm không? Làm sao để có người làm được việc tư vấn một cách tốt nhất?
Ba là, trong việc đảm bảo các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người dạy : hiện nay quyền lợi của GV, CBGD được bảo đảm trên cơ sở thực hiện đúng, thực hiện đủ nghĩa vụ mà chủ yếu và quan trọng nhất là công việc giảng dạy. Để thực hiện nghĩa vụ này chỉ cần soạn bài giảng chu đáo, lên lớp, thực hiện giờ giảng đúng kế hoạch, thậm chí có thể không cần thật chu đáo và có thể thay đổi kế hoạch. Lớp học và người học thì luôn luôn có sẵn.
Còn trong tương lai, kế hoạch lớp học thì có nhưng rất có thể không có người học. Vậy, sẽ phải căn cứ vào “chuẩn” nào để xác định nghĩa vụ và quyền lợi của người dạy? Ngoài ra, còn chưa kể đến một số lợi ích của người dạy bị mất đi khi người học không còn phải thi cuối năm, thi tốt nghiệp hay làm luận văn tốt nghiệp!
Được biết, có sự nhận định của một nhà quản lý cho rằng đó là lý do khiến nhiều người dạy không “mặn mà” với chủ trương thực hiện phương pháp đào tạo này.Suy nghĩ về cách làm đối với khoa HTTT khi thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Học viện Tài chính.
Với những khó khăn thử thách như trên và có thể nhiều hơn nữa thì rất nhiều cán bộ giáo viên không muốn chuyển đổi sang phương pháp tín chỉ. Vậy làm sao để có thể chuyển đổi một cách có hiệu quả? Theo tôi nghĩ:
Một là, về lộ trình, cần có những bước đi và lối đi thích hợp, không để quá chậm cũng không thể vội vàng. Để có thể đi một cách vững chắc và đúng hướng:

Bước đầu tiên: cần tạo được sự đồng lòng. Muốn có điều đó trước hết phải để cho mỗi người “đang có việc làm” tại Học viện Tài chính thật sự hiểu rõ, hiểu kỹ “đào tạo theo hệ thống tín chỉ” là gì. Như vậy, thật sự không thừa nếu tổ chức những buổi “học tập” toàn trường về nội dung này (và phải theo phương châm: lấy người học làm trung tâm). Qua đó, từng người tự nhận ra công việc và khó khăn, thử thách của mình. Lãnh đạo nhà trường tập hợp, phân tích những điều đó để định “cách đi, lối đi” – thiết kế lộ trình. Và, một lần nữa, cách đi, lối đi đó mọi người đều được biết.
Sau lần này, mỗi người tự chuẩn bị “hành trang” cho mình, ai thiếu những phương tiện cơ bản (không thể thiếu) sẽ được nhà trường tạo điều kiện để trang bị (cả về chuyên môn nghiệp vụ và điều kiện vật chất).

Bước tiếp theo: lựa chọn, sắp xếp, hướng dẫn các bộ phận thực hiện các công việc phù hợp với từng vị trí trong lộ trình: chuẩn bị nhân sự hay xây dựng qui chế; xây dựng, thiết kế nội dung hay lựa chọn phương pháp hoặc chuẩn bị điều kiện vật chất. . .
Nếu bắt đầu thực hiện từ năm học 2007 -2008 thì các bước trên đây sẽ tiến hành trong năm 2008 – 2009, và chỉ có thể xem như kết thúc bước này khi tất cả các bộ phận đã làm xong phần việc của mình một cách hoàn chỉnh, những điều cần có đã sẵn sàng một cách đồng bộ.
Hai là, trong khi thực hiện các bước đi theo lộ trình chung, đối với khoa HTTT các bước đi riêng về đổi mới nội dung, phương pháp dạy được xem là trọng tâm, có tính quyết định; xây dựng đội ngũ là quan trọng.

Về nội dung: do tính đặc thù đã nêu ở trên, lộ trình thực hiện sẽ bao gồm: vừa thực hiện chương trình bắt buộc với các nội dung do Bộ ban hành như hiện nay vừa từng bước chủ động xây dựng nội dung mềm dẻo (sẽ sử dụng cho cả loại chương trình bắt buộc và tự chọn, ngay trước khi Bộ cho phép chính thức) để kịp thời áp dụng khi điều kiện cho phép.
Để thực hiện nội dung mềm dẻo này cần có bước nghiên cứu, khảo sát thực tế ở người học, ít nhất đối với 3 – 5 ngành đào tạo ở cả bậc đại học và cao đẳng. Vì vậy chỉ có thể áp dụng sau 1 – 2 lần thực hiện chương trình bắt buộc ở các ngành đó.

Về phương pháp dạy: hiện đã nhiều CBGD của khoa sử dụng các thiết bị, phương tiện hỗ trợ dạy học hiện đại. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được tính năng khoa học của các phương tiện đó, tạo hiệu quả cao hơn nữa trong tiếp thu, nâng cao tính chủ động của người học, CBGD cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận, sử dụng kết hợp nhiều công cụ, phương tiện kỹ thuật khác. Đây cũng là việc làm có quá trình và phụ thuộc nhiều điều kiện, đặc biệt cơ sở vật chất của trường. Áp lực từ người học sẽ là động cơ tốt nhất cho quá trình này.

Về đội ngũ: cơ bản đội ngũ CBGD của khoa đã được đào tạo, chuẩn hóa một cách có hệ thống, chính quy; có kinh nghiệm giảng dạy nhiều đối tượng, yêu cầu lớn nhất hiện nay là sớm “làm chủ” các phương pháp giảng dạy khoa học, tiên tiến, có hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng còn ít, cần được tăng cường trong thời gian tới.
Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của khoa HTTT trong việc thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ là:

Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng nội dung chương trình các môn học chuyên ngành đáp ứng yêu cầu theo phương pháp đào tạo mới.

Kết hợp các môn học của ba bộ môn với nhau

Cùng với nhà trường khuyến khích, tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ CBGD học tập, nâng cao năng lực giảng dạy bằng phương pháp tiên tiến, khoa học. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ cố vấn, hướng dẫn sinh viên trong phương pháp đào tạo mới.

Trả lời