Thực trạng thanh toán điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay-Trần Dương Thu Hà CQ55/21CL2.LT2
Đặt vấn đề
Ngày nay, thương mại điện tử phát triển mạnh chính một phần là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, Internet đã trở thành phương tiện phổ biến cho truyền thông, dịch vụ và thương mại. Internet và thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức mua hàng truyền thống của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ có thể mua các sản phẩm mà không còn bị giới hạn về thời gian và địa điểm. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã làm thay đổi môi trường kinh doanh trên thế giới, do đó các giao dịch kinh doanh cũng thay đổi thay vì sử dụng tiền mặt chuyển sang sử dụng các giao dịch điện tử. Các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh tiếp tục phát triển trên nền tảng thương mại điện tử, giải pháp thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt. Trong môi trường thương mại điện tử, thanh toán trao đổi tiền ở dạng điện tử gọi là thanh toán điện tử, thanh toán điện tử là một phần quan trọng nhất của thương mại điện tử, nói chung thanh toán điện tử được sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua trực tuyến thông qua việc sử dụng Internet.
Mô hình thanh toán điện tử đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2008. Cho đến hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp khai thác mô hình ví điện tử nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp như: Payoo, MoMo, Mobivi, Ngân Lượng, Zalo Pay,… được cấp phép thử nghiệm loại hình dịch vụ này.
Tổng quan chung về thanh toán điện tử
Khái niệm thanh toán điện tử:
Thanh toán điện tử (thanh toán trực tuyến) là hình thức giao dịch quen thuộc và phổ biến thường được bắt gặp ở các hoạt động mua sắm online giữa người mua và người bán. Thay vì giao dịch bằng tiền mặt, giờ đây họ đã có thể chuyển lưu dòng tiền của mình thông qua các tài khoản trực tuyến. Thông thường, thanh toán điện tử được thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng online của người dùng hoặc các cổng thanh toán trực tuyến trung gian. Tuy nhiên, do vấn đề tích hợp và liên kết với các ngân hàng lớn còn hạn chế, hiện nay chỉ có khoảng một số ít trang thương mại điện tử tử lớn là nhận hình thức thanh toán trực tuyến, trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng, số còn lại sẽ dùng một đơn vị tiền tệ khác có giá trị tương đương – đó là các cổng thanh toán điện tử.
Lợi ích của việc thanh toán điện tử
Không thể phụ nhận rằng thế giới càng phát triển, xã hội cũng như con người đều phải học được cách thích nghi với sự đổi mới ấy. Việc thanh toán điện tử trong các giao dịch hiện nay ngày càng phổ biến cũng bởi vì những lợi ích sau đây.
- Giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, phù hợp với thị trường: Theo xu hướng của các hoạt động mua bán trực tuyến, bán hàng online, các thanh toán trực tuyến qua cổng điện tử cũng dần được chú trọng. Người tham gia giao dịch có thể thực hiện chuyển tiền một cách chính xác, nhanh chóng mà không cần phải đến ngân hàng.
- Dễ dàng kiểm soát và theo dõi: Tất cả các tài khoản trong hình thức thanh toán điện tử đều cho phép bạn có thể tra cứu lại các giao dịch đã thực hiện và lưu lại lịch sử giao dịch một cách đầy đủ theo từng ngày, tháng,… Do đó, cả bên mua và bên bán đều dễ dàng theo dõi tiến trình của giao dịch hoặc tìm lại lịch sử các giao dịch đã thực hiện trước đó.
- Tạo sự chuyên nghiệp cho hoạt động kinh doanh: Khi bạn kinh doanh online, đối tượng khách hàng của bạn cực kì đa dạng và phần lớn khách hàng sử dụng công nghệ này thường thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua hàng, vì vậy nếu bạn không chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang từ chối cung cấp dịch vụ bán hàng cho khách.
- Hạn chế việc phải dùng tiền mặt: Khi dùng dịch vụ thanh toán điện tử, bạn sẽ hạn chế được nhu cầu sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, việc đó sẽ góp phần giảm tải thất thoát và các rủi ro không mong muốn cho người sử dụng, đặc biệt đối với các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lớn.
- Hạ tầng thanh toán điện tử tại Việt Nam
Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng đầu tiên, đến nay số thẻ đã phát hành đã tang một cách đáng kể. Có thể kể đến một số thẻ phổ biến: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước,… Các dịch vụ khác như.
Dịch vụ Ví điện tử: Hiện nay trên thị trường đã ra mắt rất nhiều loại ví điện tử với nhiều tính năng cũng như các ưu đãi hấp dẫn khác nhau, trong đó có thể kể đến như: MoMo, AirPay, ZaloPay, Ngân lượng,…
Thẻ thanh toán: Bên cạnh các dịch vụ rút tiền mặt, chuyển khoản, sao kê các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ như: Thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, vé máy bay hoặc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.
Các dịch vụ thanh toán qua Internet và điện thoại: Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, cả nước có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Thanh toán thẻ xuyên biên giới: Các hệ thống thanh toán thẻ quốc tế như VISA, MarterCard, American Express, Diners Club/Discover (Mỹ), Union Pay (Trung Quốc) cung cấp 2 dòng thẻ phổ biến là thẻ tín dụng (Credit Card) và thẻ ghi nợ (Debit Card). Những thẻ này có các tính năng như rút tiền mặt ATM, thanh toán tiền khi mua hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán (POS), thanh toán trực tuyến.
Các phương thức thanh toán điện tử
Thanh toán bằng thẻ
Đây là hình thức thanh toán đặc trưng nhất của giao dịch thương mại trực tuyến trên Internet. Thanh toán bằng thẻ tín dụng chiếm tới 90% trong tổng số các giao dịch thương mại điện tử. Với cách thanh toán này giúp cho người mua hàng trực tuyến có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch với nhà cung cấp ở mọi nơi mọi lúc một cách nhanh chóng nhất.
Thanh toán trực tuyến bằng thẻ có hai loại sau:
- Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế: Với hình thức thanh toán này, người tiêu dùng sở hữu các loại thẻ mang thương hiệu Visa, Master, American Express, JCB có thể thanh toán hơn 60 website đã kết nối với cổng thanh toán OnePay.
- Thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa: Đây là hình thức chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam nhưng lại rất phổ biến ở nước ngoài, là thẻ được giới hạn trong phạm vi một quốc gia, do các ngân hàng, tổ chức trong nước phát hành, đồng tiền giao dịch phải là bản tệ của nước đó.
- Thanh toán qua cổng thanh toán điện tử
Cổng thanh toán điện tử mang bản chất là dịch vụ mà khách hàng có thể thanh toán tại các website thương mại điện tử. Theo đó, nó cho phép kết nối an toàn giữa tài khoản khách hàng sử dụng (thẻ, ví điện tử,…) với tài khoản website bán hàng, giúp người sử dụng dịch vụ có thể chuyển – nhận tiền một cách an toàn và nhanh chóng.Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao thì các cổng thanh toán điện tử tại Việt Nam được mở ra ngày càng nhiều. Với mỗi nhu cầu khác nhau thì bạn đều có thể lựa chọn sử dụng các cổng thanh toán điện tử cung cấp các dịch vụ có những tính năng tương ứng để thỏa mãn mong muốn của mình.
- Thanh toán bằng ví điện tử
Với hình thức thanh toán này, người tiêu dùng phải sở hữu ví điện tử của Momo, Payoo, ZaloPay,… từ đó có thể thanh toán trực tuyến trên một số website đã chấp nhận ví điện tử này. Ví điện tử có thể được gắn kết với tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giữa ví điện tử và tài khoản. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể nạp tiền vào ví bằng cách nộp tiền mặt, chuyển khoản. Chi phí phải trả cho hình thức này tương đối thấp, chi phí đăng ký dịch vụ thường được miễn phí.
- Thanh toán bằng thiết bị di động thông minh
Đây là một hình thức thanh toán ra đời trong nền kinh tế số hóa, khá phổ biến và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai với đại đa số người tiêu dùng bây giờ ai cũng đã quá quen thuộc và sử dụng thành thạo Smartphone. Với dịch vụ này khi đi mua sắm, người tiêu dùng không cần phải mang theo tiền mặt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại di động thông minh với dịch vụ Mobile Banking.
Hệ thống thanh toán qua điện thoại được xây dựng trên mô hình liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ: Ngân hàng, các nhà cung cấp viễn thông, hệ thống tiêu dùng, người tiêu dùng.
- Thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng
Thông qua ATM hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, người mua hàng chuyển tiền của mình sang tài khoản của người bán một số tiền nhất định hoặc có giá trị bằng hàng hóa đặt mua trước khi nhận được hàng. Hình thức thanh toán này chỉ nên thực hiện khi mua hàng tại các website lớn và có uy tín hoặc hai bên là khách quen của nhau. Bên cạnh lợi ích nó mang lại là người mua và người bán có thể thanh toán tiền cho nhau khi ở xa nhau thì cũng có những rủi ro cho người mua, khi người bán không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng, không như cam kết khi rao bán, quảng cáo và khó có thể đổi lại được hàng hóa nếu không ưng ý.
- Trả tiền mặt khi giao hàng
Đây là hình thức được người mua hàng tin dùng hơn cả vì đảm bảo hàng tận tay tới người tiêu dùng sau đó mới thanh toán. Hầu hết các website thương mại điện tử đều áp dụng phương thức COD (Cash On Delivery) cho phép người mua hàng đặt hàng trước mà không phải đặt cọc tiền và sau khi nhận được hàng thì người mua có thể kiểm tra chất lượng hàng hóa, nếu hài lòng thì tiến hành thanh toán trực tiếp cho người giao hàng.
Thanh toán điện tử ở Việt Nam hiện nay
Tình hình chung
Thanh toán điện tử trong những năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc khi thanh toán qua kênh Internet và điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch.Theo báo cáo thị trường quảng cáo số tại Việt Nam năm 2019 do công ty Adsota cung cấp, đến năm 2019 số người dùng Internet đã đạt đến con số 68 triệu chiếm 70% dân số. Điều này đã tạo những nền tảng vững chắc giúp thanh toán điện tử có cơ hội tiếp tục bùng nổ và phát triển.
Hạ tầng thanh toán liên tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu nền kinh tế ngày càng tăng, đảm bảo an toàn, thông suốt, giúp góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. “Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng. Đến 31.3.2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, đến 31.3.2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỉ đồng.”
Nền kinh tế số ở Việt Nam đang thực sự khởi sắc với tỷ lệ người có thu nhập trung bình tăng lên và tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động cũng như Internet ở mức cao. Theo số liệu thống kê Internet Việt Nam 2019, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày là 94% và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần. Vì vậy, dù đã sở hữu những con số tang trưởng ấn tượng, thanh toán điện tử ở Việt Nam đang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số bộ phận chưa thể tiếp cận đến hình thức thanh toán điện tử. Có nhiều nguyên do cho vấn đề này, ví dụ như những người lớn tuổi chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh cũng như không có thói quen mua hàng trực tuyến. Một bộ phận khác như những vùng cao, vùng xa, mạng Internet vẫn chưa phổ cập và họ cũng đã quen với việc mua bán trực tiếp và việc mua bán online vẫn còn xa lạ với họ.
Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ sử dụng thanh toán điện tử thấp so với các nước trên thế giới. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4.9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26.1%, Thái Lan đạt 59.7% và Malaysia lên đến 89%. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt đang là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và NHNN quan tâm trong những năm gần đây.
- Thanh toán điện tử trong đại dịch COVID-19
Khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như nước ta, một vài chuyên gia kinh tế nhận định rằng dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. COVID-19 tác động nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực, với ba tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tình hình tăng trưởng kinh tế bị suy giảm do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành như du lịch, xuất khẩu, … thì ngành thương mại điện tử lại có cơ hội phát triển mạnh dù dịch bệnh bùng phát. Nhiều dự báo cho thấy, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng trung bình 25% và còn hy vọng tăng hơn nữa trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID – 19.
Trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang phức tạp, trên các nền tảng mua sắm online và các chuỗi bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mức độ người dùng thanh toán điện tử đang tăng mạnh. Diễn biến này cũng phù hợp với xu hướng “nói không với tiền mặt” trên toàn thế giới, giữa lúc các nước tăng cường các biện pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch. Theo số liệu từ Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh những nền tảng ngân hàng số vốn đang trên đà phát triển mạnh những năm qua, các chuyên gia của Việt Nam đã tung ra nhiều giải pháp khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang thanh toán không tiền mặt, mang đến những phương thức giao dịch thuận tiện, an toàn nhằm chống sự nguy hiểm của virus corona. Sự lây lan của “corona virus” đã trở thành một vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông. Vì vậy, hầu hết mọi người dân chọn phương thức mua hàng qua các trang mạng trực tuyến, mua sắm thương mại điện tử phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt trong thời gian này. Do đó, hình thức thanh đoán điện tử cũng vì thế mà tang mạnh, thay vì giao dịch bằng tiền mặt, họ sử dụng các phương thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng hay ví điện tử để dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong đại dịch, mọi người đều biết rằng tiền mặt cũng là một nguồn có thể lây virus dễ dàng vì đây là thứ mang nhiều tiềm ẩn nguy hiểm. Thay vào đó, mọi người dần chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn để bảo vệ chính bản thân mình.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, virus corona có thể tồn tại trên bề mặt tiền giấy trong nhiều ngày, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Nghiên cứu năm 2014 của Đại học New York (Mỹ) cũng xác định 3.000 loại vi khuẩn tồn tại trên tờ USD. Tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Y tế khuyến khích người dân mua sắm online để hạn chế tiếp xúc. Chỉ thị 11 của Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo an toàn mùa dịch và tăng tính tiện lợi khi mua sắm trực tuyến là thanh toán điện tử.
Kết luận
Từ những ưu điểm trên của thanh toán điện tử, đây sẽ là những lợi thế để thanh toán điện tử tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số hóa trong tương lai. Tóm lại, thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện nay cũng đã có những phát triển rất nổi bật. Những phát triển đó đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử trong các ngân hàng nói riêng và sự phát triển của thương mại điện tử nói chung. Có thể thấy rằng khi nền kinh tế số hóa đang ngày càng mở rộng, thương mại điện tử và thanh toán điện tử đã có chỗ đứng nhất định cho riêng mình. Ngay cả trong đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng càng chứng minh được sự cần thiết và hữu dụng của mình. Và ngay cả khi dịch bệnh qua đi, thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng di động, qua ví điện tử, QR Code hay công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua thẻ,… hứa hẹn sẽ trở thành những phương thức thanh toán phổ biến thay cho tiền mặt bởi tính tiện ích, an toàn và ngày càng hiện đại.