THỰC TRẠNG SỬ DỤNG THANH TOÁN ĐIỆN TỬ TRONG THỜI ĐẠI HIỆN NAY
Sinh viên thực hiện: Hoàng Thị MaiLớp: CQ55/21.CL2.LT1
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã tạo tiền đề cho thương mại điện tử phát triển. Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, Internet đã trở thành phương tiện phổ biến cho truyền thông, dịch vụ và thương mại. Internet và thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức mua hàng truyền thống của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ không còn bị giới hạn về thời gian và địa điểm mà họ có thể mua các sản phẩm và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã làm thay đổi môi trường kinh doanh trên thế giới, do đó các giao dịch kinh doanh cũng thay đổi từ các giao dịch tiền mặt chuyển sang giao dịch tiền điện tử. Các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh tiếp tục phát triển trên nền tảng thương mại điện tử, giải pháp thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, các nước đều có các chính sách giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường và thực hiện các hình thức mua bán thông thường cũng như nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua tiền mặt khá cao thì thanh toán điện tử không dùng tiền mặt với ưu điểm nhanh, gọn, tiện lợi, an toàn,… đang trở thành một giải pháp hữu hiệu giảm thiểu khả năng lây nhiễm và là xu hướng chung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
- Thanh toán điện tử là gì?
Thanh toán điện tử hay còn gọi thanh toán trực tuyến là một mô hình giao dịch không sử dụng tiền mặt đã phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây. Nói một cách dễ hiểu, thanh toán điện tử là việc giao dịch trên môi trường internet, thông qua đó người sử dụng có thể thực hiện các hoạt động thanh toán, chuyển, nạp hay rút tiền,…
- Các hình thức thanh toán điện tử
- Thanh toán bằng thẻ
Đây là hình thức thanh toán đặc trưng nhất, chiếm tới 90% trong tổng số các giao dịch thương mại điện tử. Thẻ thanh toán (thẻ chi trả) là một loại thẻ có khả năng thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại một vài địa điểm, kể cả website mua hàng trực tuyến nếu chấp nhận tiêu dùng bằng thẻ đó. Hoặc có thể dùng để rút tiền mặt trực tiếp từ các ngân hàng hay các máy rút tiền tự động. Hiện nay, các loại thẻ thanh toán được chia làm 2 loại, có thể được phát hành bởi các ngân hàng, các tổ chức tài chính. Ví dụ như:
- Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế: Nếu khách hàng sở hữu các loại thẻ như Visa, Mastercard, American Express, JCB đều có thể thanh toán tại hơn 60 website đã kết nối với cổng thanh toán OnePay.
- Thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa: Loại hình này chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam nhưng khá phát triển ở nước ngoài. Với cách thanh toán này các chủ thẻ tại Connect24 của ngân hàng Vietcombank hay chủ thẻ đa năng của ngân hàng Đông Á đã có thể thực hiện thanh toán điện tử tại các website đã kết nối với 2 ngân hàng này cũng như cổng thanh toán OnePay.
- Thanh toán qua cổng thanh toán điện tử
Cổng thanh toán về bản chất là dịch vụ cho phép khách hàng giao dịch tại các website thương mại điện tử. Cổng thanh toán cung cấp hệ thống kết nối an toàn giữa tài khoản (thẻ, ví điện tử,…) của khách hàng với tài khoản của website bán hàng. Giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp thanh toán, nhận tiền trên internet đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Hiện cũng có một số ngân hàng triển khai cổng thanh toán. Điển hình như:
- Thanh toán qua cổng thanh toán điện tử F@st Mobipay: Đây là dịch vụ nằm trong giải pháp thanh toán của ngân hàng Techcombank. Cho phép khách hàng mở tài khoản và thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn bằng tin nhắn điện thoại gửi tới tổng đài 19001590. Để đảm bảo an toàn, bí mật cho khách hàng thì có thể thanh toán chuyển khoản bằng hệ thống Internet Banking rất tiện lợi.
- Thanh toán qua cổng thanh toán Đông Á: Từ năm 2007, Ngân hàng Đông Á cũng đã cho phép các chủ thẻ đa năng thanh toán trực tuyến trên “Ngân hàng Đông Á điện tử” bằng Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking.
· Thanh toán bằng ví điện tử
Ví điện tử là một tài khoản online có thể dùng nhận, chuyển tiền, mua thẻ điện thoại, vé xem phim, thanh toán trực tuyến các loại phí trên internet như tiền điện nước, cước viễn thông, bạn cũng có thể mua hàng online từ các trang thương mại điện tử. Người dùng phải sở hữu thiết bị di động thông minh tích hợp ví điện tử và liên kết với ngân hàng thì mới có thể thanh toán trực tuyến bằng hình thức này.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 20 ví điện tử được cấp phép và theo Ngân hàng nhà nước dự báo đến năm 2020 sẽ đạt ngưỡng 10 triệu người dùng.
- Thanh toán bằng thiết bị điện thoại thông minh
- Qua Mobile Banking
Hình thức này đang dần trở nên phổ biến bởi hầu hết ai cũng đều sử hữu một chiếc điện thoại thông minh. Chính vì vậy, khi đi mua sắm, khách hàng không cần phải mang theo tiền mặt, thay vào đó là thanh toán qua điện thoại với dịch vụ Mobile Banking. Hệ thống thanh toán qua điện thoại được xây dựng trên mô hình liên kết giữa ngân hàng, các nhà cung cấp viễn thông, và người dùng.
- Qua QR Code
Tiến bộ công nghệ cũng là lý do khiến thanh toán bằng QR Code ngày càng được ưa chuộng. Phương thức này khá đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng và thân thiện cho người tiêu dùng. Tính năng QR Code hiện đang được tích hợp sẵn trên ứng dụng di động của các ngân hàng, các sản phẩm và dịch vụ của Google như Google Chart hay Google Map, trên bảng hiệu, xe buýt, danh thiếp, tạp chí, website, hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… Người dùng sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thực hiện nhanh các giao dịch chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng. Chỉ với một lần quét, sau vài giây, bạn đã thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, taxi, thậm chí là các website thương mại điện tử hay trên bất cứ sản phẩm nào có gắn mã QR mà không cần sử dụng tiền mặt, thẻ, không lo lộ thông tin cá nhân tại các điểm thanh toán.
Quy trình thực hiện thanh toán điện tử
- Lợi ích và hạn chế của thanh toán điện tử
3.1 Lợi ích của thanh toán điện tử
- Một số lợi ích chung
Hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử:
Xét trên nhiều phương diện, thanh tóan trực tuyến là nền tảng của các hệ thống thương mại điện tử, khả năng thanh toán trực tuyến đã tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa thương mại điện tử với các ứng dung khác cung cấp trên Internet. Do vậy, việc phát triển thanh toán trực tuyến sẽ hoàn thiện hóa thương mại điện tử theo đúng nghĩa của nó: giao dịch hoàn toàn qua mạng. một khi thanh toán trong thương mại điện tử an toàn, tiện lợi, việc phát triển thương mại trên toàn cầu là một điều tất yếu với dân số đông đảo và không ngừng tăng của mạng Internet.
Tăng quá trình lưu thông tiền tệ và hàng hóa:
Thanh toán địên tử giúp thực hiện thanh toán nhanh, an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia thanh tóan, hạn chế rủi ro so với
Thanh toán bằng tiền mặt, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, tạo lập thói quen mới trong dân chúng về thanh toán hiện đại.
Hiện đại hóa hệ thống thanh toán:
Thanh toán điện tử tạo ra một loại tiền mới – tiền số hóa – không chỉ thỏa mãn các tài khoản ngân hàng mà hoàn toàn có thể dùng để mua hàng hóa thông thường. Quá trình giao dịch đơn giản và nhanh chóng, chi phí giao dịch giảm bớt đáng kể, và giao dịch sẽ trở nên an toàn hơn.
- Một số lợi ích đối với ngân hàng và các doanh nghiệp:
- Tăng doanh thu: Mở rộng hệ thống khách hàng và tăng khả năng tiếp cận với thị trường thế giới giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng từ những khách hàng hiện tại và tăng doanh số bán hàng từ các dịch vụ tạo ra giá trị khác
- Giảm chi phí tăng hiệu quả kinh doanh:Tiết kiệm chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng, chi phí giao dịch
- Giảm chi phí văn phòng: giao dịch qua mạng giúp rút ngắn thời gian tác nghiệp, chuẩn hóa các thủ tục, quy trình, nâng cao hiệu quả tìm kiếm và xử lý chứng từ.
- Giảm chi phí nhân viên
- Cung cấp dịch vụ thuận tiện cho khách hàng: thông qua Internet/Web, ngân hàng có khả năng cung cấp dịch vụ mới(Internet banking) và thu hút thêm nhiều khách hàng giao dịch thừơng xuyên hơn, giảm chi phí bán hàng và tiếp thị.
- Mở rộng thị trường thông qua Internet, ngân hàng thay vì mở nhiều chi nhánh ở các nước khác nhau có thể cung cấp dịch vụ Internet banking để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ.
- Đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm:Các ngân hàng có thể cung cấp thêm các dịch vụ mới cho khách hàng như: phone banking, home banking, internet banking, chuyển rút tiền, thanh toán tự động… khi các hình thức thanh toán trực tuyến phát triển thông qua Internet.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nét riêng trong kinh doanh:“Ngân hàng điện tử” giúp các ngân hàng tạo và duy trì một hệ thống khách hàng rộng rãi và bền vững. Thế mạnh về dịch vụ ngân hàng địên tử cũng là một đặc điểm để các ngân hàng tạo dựng nét riêng của mình.
- Thực hiện chiến lược toàn cầu hóa:Một lợi ích quan trọng khác mà thưong mại điện tử đem lại cho ngân hàng và các doanh nghiệp đó là họ có thể thực hiên chiến lược toàn cầu hóa mà không cần phải mở thêm chi nhánh, có thể vừa tiết kiệm chi phí đồng thời lại có thể vừa phục vụ được một lượng khách hàng lớn hơn nhiều.
- Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu toàn cầu:Thông qua Internet,ngân hàng và các doanh nghiệp có thể đăng tải tất cả thông tin tài chính, tăng giá trị tài sản, các dịch vụ của mình để phục vụ cho các mục đích xúc tiến quảng cáo.
- Có được thông tin phong phú:
- Tạo điều kiện thuận lợi về không gian và thời gian trong việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ kinh doanh
- -Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể truyền bá, phổ biến hình ảnh, nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các bạn hàng quốc tế
- -Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng
Một số lợi ích đối với khách hàng
- Khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí:Phí giao dịch ngân hàng điện tử hiện được đánh giá là ở mức thấp nhất so với các phương tiện giao dịch khác.
- Khách hàng tiết kiệm được thời gian:Không cần phải trực tiếp đến cửa hàng,chỉ với một thiết bị kết nối mạng và một tài khoản thanh toán trực tuyến khách hàng có thể thực hiện một giao dịch mua bán hàng hóa và thanh toán tiền hàng ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất cứ nơi nào, và có nhiều sự chọn lựa hơn với các dòng sản phẩm đựơc các doanh nghiệp đăng tải lên
- Khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với nhà sản xuất, bỏ qua khâu trung gian nên có thể mua hàng với giá rẻ hơn và nhanh hơn, đạt được hiệu quả cao hơn.
3.2 Hạn chế của thanh toán điện tử
Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên thanh toán điện tử vẫn còn khá nhiều các hạn chế như không phù hợp với các thanh toán nhỏ lẻ, những địa phương có trình độ kinh tế xã hội còn kém hay những người già không thông thạo công nghệ thông tin, ……
- Thực trạng sử dụng thanh toán điện tử hiện nay
4.1 Thực trạng trên thế giới
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến tại các nước
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.
Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng Euro vào năm 2016. Hầu hết các nước đã và đang triển khai công cuộc cải cách hệ thống thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân.
Điển hình tại Thụy Điển cho thấy, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế. Con số này cho thấy Thụy Điển là quốc gia người dân rất ít giao dịch bằng tiền mặt trong khi con số tương tự của toàn thế giới là 75%.
Trả tiền bằng thẻ tín dụng là hình thức thanh toán phổ biến nhất ở Thụy Điển, với gần 2,4 tỷ giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong năm 2013, so với 213 triệu giao dịch trước đó 15 năm. Tuy nhiên, ngay cả thẻ nhựa (bao gồm thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, do số lượng người Thụy Điển dùng ứng dụng để giao dịch tài chính tăng mạnh
Hiện nay, ngày càng nhiều chính phủ kêu gọi tiến tới chuyển đổi các giao dịch từ tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán này sẽ để lại dấu vết điện tử mà nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát.
Người dân sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền và có thể thanhtoán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại. Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần kích thích hoạt động thương mại.
Hình thức thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử ngày càng đa dạng
Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng thẻ thông minh trong các ngành dịch vụ khác nhau. Có thể kể đến như thẻ sim tích hợp thanh toán trong viễn thông, các ứng dụng trong việc tự động hóa thanh toán vé xe bus, tàu điện trong giao thông, chứng minh thư điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hay các loại thẻ thanh toán của ngành ngân hàng… Trong đó, ngành Viễn thông được đánh giá là Ngành sử dụng thẻ thông minh nhiều nhất (dưới dạng thẻ sim).
Trong lĩnh vực ngân hàng, liên minh thẻ EMV (Euro Pay, MasterCard và Visa) được xem là nền tảng để nhiều ngân hàng đầu tư và triển khai giải pháp phát hành thẻ thông minh. Hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển đổi sang sử dụng hệ thống EMV. Tiên phong chuyển đổi sử dụng hệ thống thẻ EMV là châu Âu (chuyển đổi từ năm 1996), mà điển hình là Pháp và Anh.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiến hành từ những năm 2003-2004. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là những quốc gia đầu tiên chuyển đổi hệ thống thanh toán thẻ sang chuẩn EMV từ năm 2005, tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia, Philipines và Việt Nam.
Ban đầu, thanh toán thẻ xuất hiện dưới hình thức là quẹt thẻ thanh toán, sau đó các hình thức thanh toán online, bao gồm cổng thanh toán và ví điện tử. Tiếp đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng website được phát triển thêm như Alipay, Braintree, Paymentwall… Về thanh toán thông thường thì có các thiết bị chấp nhận thẻ (POS).
Từ năm 2010 trở lại đây, khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán tăng lên với tốc độ chóng mặt, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như QR Code, NFC và mPOS; Internet Banking và Mobile Web Payment.
Như vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng do tính tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi và ngày càng đa dạng.
4.2 Thực trạng sử dụng thanh toán điện tử tại Việt Nam
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhưng các hình thức thương mại điện tử (TMĐT) vẫn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá khi có cơ hội thay đổi thói quen người dùng. Chẳng hạn như Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ tiền mặt, khuyên người dân nên chuyển sang các dạng thức thanh toán điện tử.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM). Đồng thời có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước… Và theo các chuyên gia tài chính, đây là lúc để khuyến khích người dân tăng cường sử dụng thanh toán điện tử thay vì thói quen dùng tiền mặt. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tại Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, các trang thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng ít nhất 20% so với những tháng cuối năm 2019, cá biệt một số trang mua sắm có mức tăng trưởng lên đến 150% so với ngày thường. Theo số liệu thống kê của Saigon Coopmart cho biết kênh mua sắm qua điện thoại, qua website của doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính đơn hàng giao dịch thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Bên cạnh đó, các trang mua sắm điện tử khác như Tiki, khi đơn hàng trên sàn này trong hai tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí… (những mặt hàng giúp người tiêu dùng an tâm trong vùng dịch.) cũng tăng mạnh không kém. Ước tính trong những ngày cao điểm, mỗi phút có khoản 3000-4000 đơn hàng được thực hiện.
Với việc tất cả các chỉ số về thanh toán thẻ như tổng giá trị giao dịch qua các máy ATM, các tài khoản thanh toán cá nhân hay qua POS đều tăng. Có thể, nói xu hướng sử dụng thẻ trong thanh toán của người Việt đang ngày càng phổ biến.
Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đã đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện, số lượng các máy POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.
Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…
Tuy có sự tăng trưởng trong sử dụng các hình thức thanh toán điện tử ở Việt Nam nhưng vẫn còn khá hạn chế. Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử (TTĐT) trên toàn quốc” được tổ chức mới đây, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, giao dịch không dùng tiền mặt không đồng đều giữa các mảng thanh toán, trong thương mại điện tử thì thanh toán COD (giao hàng nhận tiền) vẫn phổ biến hơn cả.
Người tiêu dùng Việt vẫn thích tiền mặt
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%. Trong năm 2019, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng TTĐT số 1 thế giới.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ – tài chính (fintech), chủ yếu là mảng TTĐT và có hơn 20 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán. Vì là thị trường mới, độ phủ sóng Internet rộng, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone có kết nối Internet cao nên việc phát triển thương mại điện tử nói chung và TTĐT nói riêng ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên, hiện hầu hết giá trị giao dịch TTĐT và số lượng giao dịch tập trung vào một số loại hình đơn giản, cơ bản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, truyền hình.
Trong khi đó, nhìn sang các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines hay Singapore đều có bước đi sớm, mở rộng cửa để phát triển fintech và đã có khoảng cách khá lớn với Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao người tiêu dùng Việt vẫn thích thanh toán tiền mặt? Theo các chuyên gia, có nhiều lý do, bên cạnh thực tế rằng TTĐT chưa nhanh, chưa thuận tiện thì người dùng còn e ngại về rủi ro có thể gặp phải với khoản tiền của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên – Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, thanh toán bằng tiền mặt chỉ mất vài giây với mỗi giao dịch thì TTĐT mất thời gian hơn, phải khai báo mã xác thực, xác nhận chuyển tiền và các thao tác cần độ chính xác tuyệt đối. Đó là một trong những lý do khiến TTĐT chưa được ưa thích.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee nhận định, không đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm TTĐT chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Quy trình xây dựng ví điện tử còn nhiều rào cản. Ví dụ, trên ứng dụng thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua tám bước, thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.
Cơ sở pháp lý cho thanh toán điện tử còn khá yếu
Tại Việt Nam, vẫn chưa có nhiểu những văn bản hướng dẫn cũng như luật pháp quy định về thanh toán điển tử. Vì vậy, khi xảy ra các rủi ro như bị đánh cắp thông tin thẻ, bị lừa tiền qua thanh toán điện tử hoặc bị thất thoát tiền,…, khách hàng cũng như các doanh nghiệp còn khá lúng túng trong việc phản ứng nhanh và giải quyết các rủi ro. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thanh toán điện tử còn khá hạn chế tại Việt Nam
Trình độ phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều nơi còn thấp
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây khá cao và ổn định ở khoảng 7%/năm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi, khi mà công nghệ thông tin và khoa học kĩ thuật còn khá hạn chế thì việc thanh toán điện tử là điều còn rất mới mẻ và xa lạ. Ở những nơi đó, chỉ có tại ngân hàng và các siêu thị mới áp dụng thanh toán điện tử, nhưng hầu hết cũng chỉ dừng lại ở việc thanh toán qua thẻ chứ không có các phương thức thanh toán điện tử khác.
- Một số giải pháp phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam
- Giải pháp đến từ chính phủ
Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách mở rộng khuyến khích đầu tư đối với các nhà đầu tư tài chính. Đây cũng chính là tiền đề để các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phương thức thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử tại Việt Nam, thời gian tới, các giải pháp cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, đánh giá lại hiệu quả các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán, để điều chỉnh cơ chế chính sách. Thanh toán điện tử đang là xu thế tiêu dùng toàn cầu, thế nhưng ở Việt Nam, giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu, chiếm tới 65% tổng phương thức thanh toán.
Thứ hai, khuyến khích các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Để khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán, Chính phủ và doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn đối với sử dụng thẻ thanh toán; Các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý liên quan đến việc sử dụng thẻ nhằm khuyến khích nhiều cá nhân tham gia vào sử dụng thẻ thanh toán; Tiếp tục đẩy mạnh số lượng POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân.
Thứ ba, cần xây dựng cơ sở pháp lý về thanh toán điện tử nhằm tăng cường đảm bảo an toàn và bảo mật thanh toán. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại là vấn đề sống còn đối với mỗi ngân hàng.
- Giải pháp đến từ các ngân hàng
NHNN Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật và với chi phí hợp lý nhất, tiếp tục giảm phí cho việc sử dụng các tiện ích thanh toán điện tử qua ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ thanh toán cho cộng đồng, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.
Các bộ, ngành cần có những giải pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thúc đẩy việc phối hợp với các NHTM để triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Các NHTM cần tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử với mọi khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chủ động liên kết với chủ ví, các tổ chức có chức năng thanh toán để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các khách hàng cá nhân, tập thể sang ví điện tử. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán; phối hợp với các đơn vị thanh toán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán thống nhất của ngành Ngân hàng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán điện tử.
- Giải pháp đến từ các doanh nghiệp cung cấp sản phầm, dịch vụ
- Tăng cường phát triển các ví điện từ hoặc liên kế với các ví điện tử cũng như các ngân hàng để khách hàng có thể dể dàng thanh toán điện tử.
- Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán điện tử dễ dàng và thuận tiện
- Liên kết với các doanh nghiệp trung gian thanh toán điện tử để phát triển các gói khuyến mãi, ưu đãi nhằm thúc đẩy khách hàng tăng thanh toán không dùng tiền mặt….